Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
350638

Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên – cần đầu tư chiều sâu

Đăng lúc: 14:32:31 14/10/2016 (GMT+7)

“Thừa thầy, thiếu thợ”, mất cân đối nhân lực giữa ngành này và ngành khác, trái ngành, trái nghề dẫn tới công việc không hiệu quả hoặc phải đào tạo lại... đang gây lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Mặc dù công tác hướng nghiệp, dạy nghề trong những năm qua đã được tỉnh ta triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa được đầu tư chiều sâu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trung tâm Dạy nghề huyện Nông Cống mở lớp dạy nghề may theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Dream F Vina.

“Thừa thầy... thiếu thợ”

 

Có trong tay 2 tấm bằng đại học (Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại ngữ) nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định, Vũ Văn Khánh (sinh năm 1986) ở xã Tế Thắng (Nông Cống) đã quyết định về quê lập nghiệp và  tham gia lớp học hệ sơ cấp kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương và được người thân, bạn bè ủng hộ, Khánh nhanh chóng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Đến nay, em đã là chủ trang trại chăn nuôi với quy mô hơn 130 con lợn, nhiều dê, bò và một số loại cây ăn quả khác, giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương.

 

Sau khi tốt nghiệp, không có việc làm đúng với trình độ, chuyên môn được đào tạo, nhiều thanh niên (TN) trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng học nghề để có việc làm. Theo kết quả khảo sát, thống kê số lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) chưa có việc làm và nhu cầu việc làm của ĐVTN năm 2014 của Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên (HNDN & GTVLTN) tỉnh (Tỉnh Đoàn) cho thấy: Tổng số hơn 226.000 ĐVTN được điều tra, trong đó TN có việc làm nhưng không ổn định, hoặc việc làm theo thời vụ chiếm 32,1%. Còn theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2015 tỉnh ta có khoảng 25.000 sinh viên tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học đang gặp khó khăn về tìm kiếm việc làm. Phần lớn trong số đó phải tìm việc làm bằng nghề “tay trái” để có thu nhập nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các khu công nghiệp, khu kinh tế trong và ngoài tỉnh, số ít TN lập nghiệp tại địa phương chủ yếu tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ...

 

TN là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, tỉnh ta có 186.455 ĐVTN, phần lớn tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi (gọi chung là khu vực nông thôn), ít có cơ hội được đào tạo nghề nên không có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, việc làm không ổn định. Nguyên nhân là do công tác thông tin, tuyên truyền về HNDN, giải quyết việc làm chưa được triển khai sâu, rộng và quan tâm đúng mức, nhất là đối tượng học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường chưa được tư vấn, định hướng nghề, chọn nghề phù hợp dẫn đến nhận thức sai lệch về học nghề. Công tác nắm bắt thị trường lao động, dự báo nhu cầu lao động chưa thường xuyên nên TN không học đúng ngành nghề thị trường cần. Kinh phí dành cho dạy nghề còn hạn chế, nặng về lý thuyết, chưa phối hợp nhiều với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, TN ở địa phương chưa phải chủ hộ khó tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế,  khó khăn cho việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh... Việc hướng nghiệp, cung cấp các thông tin việc làm để lựa chọn việc làm phù hợp đang là nhu cầu cấp thiết đối với TN hiện nay.

 

Thay đổi tư duy hướng nghiệp

 

Thực trạng sinh viên ra trường khó tìm được việc làm đã không ngần ngại đăng ký học nghề để có thể ổn định cuộc sống khiến nhận thức về việc học “làm thầy” và “học làm thợ” không còn nặng nề như nhiều năm trước đây và bắt đầu đã có sự phân luồng khá rõ. Những học sinh có lực học khá, giỏi tiếp tục theo đuổi con đường học cao hơn, những học sinh có lực học trung bình, trung bình khá chuyển hướng sang học nghề.

 

Nhận kết quả tốt nghiệp THPT năm học 2015-2016, em  Phạm Hữu Toàn, xã Quảng Tân (Quảng Xương) đã đăng ký tham gia học lớp hàn cơ khí tại Trung tâm HNDN & GTVLTN tỉnh. Em tâm sự: lực học của em ở mức trung bình khá, nếu thi đại học có khả năng đậu nhưng “đầu ra” rất khó nên em đã chọn học nghề sẽ phù hợp với điều kiện của bản thân và nhu cầu thị trường việc làm hiện nay. Bố mẹ em cũng ủng hộ lựa chọn của em”. Trên thực tế, mặc dù mới đầu tháng 9 chưa phải cao điểm tuyển sinh các trường nghề, nhưng nhiều trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh như: Trường Trung cấp Kỹ nghệ Thanh Hóa, Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa... cũng đã tuyển sinh được khoảng 60% học sinh đăng ký học nghề. Ngược lại, nhiều trường đại học, cao đẳng số thí sinh đăng ký vào trường năm học 2016-2017 còn khá khiêm tốn...

 

Xu hướng nhiều học sinh tốt nghiệp THPT chọn học nghề ngày càng tăng đã thể hiện sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp của các bạn trẻ hiện nay. Nhiều em chọn học nghề bởi chi phí thấp, nếu học tập tốt cũng sẽ nhận được học bổng, nhiều nghề được miễn học phí, cơ hội có việc làm cao (70% có việc sau học nghề), nhất là nghề cơ khí, điện dân dụng, may. Có tay nghề, học viên có nhiều cơ hội lập nghiệp hơn. Khi đã có kinh nghiệm, muốn học nâng cao trình độ cũng rất đơn giản, vì theo Luật Giáo dục dạy nghề, học sinh học trường nghề có thể học liên thông lên đại học khi có điều kiện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số đơn vị dạy nghề cũng đang thu hút nhiều đối tượng tốt nghiệp đại học, cao đẳng tham gia học. Như khóa đào tạo “Bảo vệ an ninh dầu khí Việt Nam” của Trung tâm HNDN & GTVLTN tỉnh có 153 học viên, trong đó có 57 học viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trong số đó có 32 học viên có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh...

 

Vài năm trở lại đây công tác HNDN & GTVL cho TN đã được các cấp bộ đoàn, ngành GD&ĐT và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng. Trung tâm HNDN & GTVLTN tỉnh là đơn vị chủ động, phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện có hiệu quả công tác này. Đồng chí Hoàng Thanh Hà, giám đốc trung tâm cho biết: Trung tâm chú trọng vào hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước khi tốt nghiệp THPT. Hàng năm, có khoảng 17.000 học sinh và hàng trăm phụ huynh tại các trường THPT được tham gia tư vấn hướng nghiệp. Qua đó, giúp các em và phụ huynh hiểu đúng về nghề và có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và xu hướng thị trường. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp mở các lớp dạy nghề, nỗ lực tìm kiếm đối tác để đào tạo và giới thiệu việc làm cho TN. Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng việc định hướng nghề nghiệp cần định hình ngay từ THCS và mở rộng đến cả phụ huynh để có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc HNDN cho con em.

 

Hướng mở cho lao động TN

 

Năm 2010 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3906/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” và bố trí ngân sách để thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý cùng với nhiều chính sách ưu đãi học nghề dành cho ĐVTN sẽ tạo ra cơ hội cho ĐVTN chọn ngành, chọn nghề đúng hướng, được giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.

 

Đại diện cho hàng nghìn ĐVTN cơ sở, các đồng chí Nguyễn Ngọc Hậu, Bí thư Huyện đoàn Nông Cống và Trần Trung Kiên, quyền Bí thư Huyện đoàn Thiệu Hóa cho biết: việc xác định đúng hướng đi trong quá trình lập thân, lập nghiệp đã giúp nhiều TN gặt hái được thành quả bằng chính bàn tay và nhiệt huyết của mình qua các mô hình kinh tế cụ thể. Nhiều lao động trong độ tuổi TN, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đều được tổ chức đoàn tạo điều kiện thuận lợi học nghề, hỗ trợ vốn vay, giới thiệu việc làm, trong số đó có nhiều người làm ăn hiệu quả từ những nghề được xem là sự “lựa chọn thứ 2”.

 

Điều này đã và đang đặt ra yêu cầu phải đánh giá đúng thực trạng, linh hoạt trước những biến đổi của cơ chế thị trường và coi trọng công tác HNDN để không bị lãng phí nguồn lực lao động trẻ đầy tiềm năng. Muốn vậy, công tác hướng nghiệp, chọn nghề cần phải thực hiện sớm và thường xuyên để người học đầu tư sức lực, trí tuệ cho ngành mình chọn, tránh  chạy theo cảm tính, trào lưu, sáng suốt lựa chọn những trường phù hợp với sở thích của bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Thường xuyên theo dõi và nắm bắt tình hình lao động - việc làm của TN nông thôn và định hướng nghề một cách sát thực. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, hiệu quả của hoạt động dạy nghề. Việc dạy nghề cho các đối tượng TN cũng cần phải chú ý đến những yếu tố đặc thù của các vùng, miền khác nhau từ đó có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp.                 

Nguồn: baothanhhoa.vn
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)